LỄ KỈ NIỆM 41 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

Đến hẹn lại lên, mùa tri ân, mùa tôn kính, mùa của những trang báo tường, mùa của những giọt nước mắt hạnh phúc của những người làm công tác giáo dục. Trong cuộc đời dạy học của những người thầy, ngày 20/11 hàng năm là ngày vui nhất, xúc động nhất, bởi đây là ngày cả xã hội đều hướng về những thầy cô giáo với tấm lòng kính trọng, tôn vinh và khẳng định thiên chức cao quý của nghề dạy chữ, dạy người. Đôn – ki – xtôi từng nói: “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học“. Và Bác Hồ cũng đã khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang“. Nghề nhà giáo được coi là nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Từ bao đời nay, nghề dạy học luôn được coi là một nghề vô cùng cao quý, vì những người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách làm người, cách đối nhân xử thế. Giáo dục chính là kim chỉ nam, là ngọn hải đăng soi chiếu cho sự phát triển của nước nhà. Để ươm những mầm non cho tương lai đất nước thì những người thầy người cô đã phải âm thầm, hi sinh vượt lên những khó khăn, vất vả của đời thường, để gieo từng con chữ cho các em học sinh thân yêu trong sự nghiệp trồng người.

Đặc biệt, những Thầy Cô giáo trường THCS – THPT HÙNG VƯƠNG luôn đặt địa vị của mình vào những người cha, người mẹ, người anh, người chị, người bạn của các em học sinh. Không chỉ dạy các em biết nói câu XIN LỖI, lời CẢM ƠN, CẢM THÔNG, CHIA SẺ, THA THỨ mà còn dạy các em bài học NHẮN GỬI YÊU THƯƠNG qua những tấm thiệp tự tay các em làm để viết lên, để nhắn gửi những lời chúc, lời yêu thương, lời hứa hẹn của mình tới những người thầy, người cô mà các em kính yêu và biết ơn.

Cả cuộc đời của những con người khoác trên mình hai chữ nhà giáo luôn phải trau chuốt chữ “Nhân” để làm sáng thêm cho chữ “Nghề” và rạng rỡ cho chữ “Nghiệp”. Cả cuộc đời bình dị mà sáng trong, thiêng liêng nhưng rất đỗi đời thường. Cả cuộc đời chỉ có viên phấn trắng với bảng đen đã làm nên những bài ca làm rung động lòng người, làm khao khát cháy bỏng hàng triệu con tim.

Thời gian cứ dần trôi, bao nhiêu lứa học sinh đi qua, mái tóc thầy cô càng trở nên bạc trắng, những vết nhăn hằn sâu trên khuôn mặt theo năm tháng, nhưng tâm huyết muốn đem tri thức và những bài học quý giá cho các học trò của mình thì mãi sẽ không thay đổi. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy cô như những người lái đò cần mẫn, miệt mài với việc đưa đón khách qua sông và thầm gửi gắm theo bước chân người khách ấy bao nhiêu hy vọng và cả kỳ vọng. Trên những chuyến đò ấy, không phải lúc nào cũng bằng phẳng, đôi khi gặp sóng gió, khó khăn, trở ngại, nhưng con đò vẫn cứ âm thầm lặng lẽ suốt ngày đêm, bỏ lại sau lưng bao nỗi nhọc nhằn, bước qua mọi khó khăn phía trước với ý chí kiên cường lái con đò tri thức cập bến tương lai.

Sự tôn vinh và kính trọng nhà giáo được đúc kết và thể hiện qua rất nhiều câu ca dao, tục ngữ như: “Không thầy đố mày làm nên”,”Trọng thầy mới được làm thầy”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”,…Coi trọng đạo làm người, cha ông ta luôn biết ơn, trân trọng và tôn vinh những người truyền dạy đạo làm người, nên có câu: “Công cha, áo mẹ, chữ thầy” là 3 nghĩa lớn thể hiện sự tôn vinh công lao to lớn đó của người thầy.

Vậy người Thầy đầu tiên trong cuộc đời mỗi người là ai? Xin thưa đó chính là người cha, người mẹ của mỗi một người. Cha mẹ là người dạy chúng ta những bước đi đầu tiên, những câu nói bập bẹ: “a, a”, “ba, ba”….những bài học làm người qua những lời ru ngọt ngào: À á à ơi….“Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy“. Vậy nên, mỗi bạn học sinh trường THCS – THPT HÙNG VƯƠNG hãy dành cho người thầy đầu tiên của mình một món quà ý nhất để tỏ lòng tri ân sâu sắc nhất đến cha mẹ của mình để thực hành bài học NHẮN GỬI YÊU THƯƠNG mà Thầy Hiệu trưởng Quốc dân đã đưa ra.